Để giúp bạn có cơ sở để đánh giá các ý tưởng quảng cáo một cách khách
quan và khoa học, không mang tính chủ quan hoặc thành kiến cá nhân, hãy
dựa vào 10 nguyên tắc để có quảng cáo hay dưới đây nhé.
1. Quảng cáo tập trung vào một ý tưởng lớn
Lợi ích của nhãn hàng đối với người tiêu dùng phải được truyền đạt,
không phải chỉ thông qua một thông điệp bán hàng, chứ đừng nói chi đến
một loạt thông điệp kiểu như vậy. Lợi ích phải được truyền đạt bằng một ý
tưởng lớn vô cùng tập trung – một sự diễn đạt bằng hình ảnh hoặc bằng
âm thanh của một khái niệm chính duy nhất gắn với nhãn hàng. Làm được
điều này quả không dễ, vì thế có thể dễ dàng nhận ra những quảng cáo của
những nhãn hàng nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong các hoạt động Marketing,
thường chỉ dài dòng kể lể những lợi ích của nhãn hàng một cách tẻ nhạt,
không để lại ấn tượng nào trong lòng người tiêu dùng. Ngay cả các nhãn
hàng lớn có cả hàng trăm năm kinh nghiệm trên thế giới không phải lúc
nào cũng có thể làm tốt nhất điều này.
Hai nhãn hàng nước cam của hai công ty lớn là Pepsi và Coca-Cola
trong những năm qua đã đầu tư rất nhiều vào quảng cáo và cả hai đều tập
trung vào ý tưởng lớn là tép cam để nhấn mạnh lợi ích bổ dưỡng từ nước
cam ép thực sự mà sự hiện diện của những tép cam tươi là minh chứng sống
động. Tuy nhiên, có thể thấy cách thể hiện trong quảng cáo của Twister
hấp dẫn hơn với những hình ảnh của các chàng trai, cô gái dùng ống hút
lớn để hút cho được các tép cam nằm dưới đáy chai. Splash vào đầu năm
2009 đã cố gắng lôi kéo người tiêu dùng ra khỏi sự trung thành
với Twister bằng chiến dịch truyền thông rầm rộ “Không phải tép cam nào
cũng như nhau” với sự bảo chứng của nghệ sĩ Thành Lộc nhưng có vẻ như
chẳng thể nào đánh bại vị trí số 1 của Twister. Nhưng Coca-Cola và
Minute Maid quyết tâm không bỏ cuộc và đã quay trở lại ngoạn mục với sự
xuất hiện của nhãn hàng Teppy mà ngay cái tên cũng làm người tiêu dùng
dễ dàng liên tưởng đến lợi ích của nhãn hàng. Có lẽ yếu tố lôi cuốn, hấp
dẫn, và bất ngờ nhất đó là ý tưởng quảng cáo “Tép cam của tôi đâu rồi?”
đầy tính dí dỏm chiếm được cảm tình của đông đảo người xem. Trong khi
đó, quảng cáo của Twister vẫn theo lối mòn cũ của “Sức sống từ tép cam
tươi”.
2. Quảng cáo hứa hẹn những điểm khác biệt của nhãn hàng so với đối thủ cạnh tranh
Quảng cáo phải truyền thông một lợi ích. Nhưng nó phải phân biệt lợi
ích đó ra khỏi những lợi ích mà đối thủ cạnh tranh đã hứa hẹn. Nhãn hàng
vì thế phải truyền thông tính độc nhất. Sự độc nhất có thể nằm trong
đặc tính vật lý của chính nhãn hàng (thí dụ như công thức sản phẩm) hoặc
trong một gía trị nào khác liên kết mật thiết với nhãn hàng. Một trong
số những gía trị đó là quảng cáo mà khi được truyền thông kiên định nó
sẽ trở thành tài sản của nhãn hàng. Có thể đơn cử thí dụ của “vệt trắng
sáng” và câu cảm thán “Ngạc nhiên chưa!” trong quảng cáo của nhãn hàng
Tide.
Cho dù lợi ích có độc đáo hay không thì ít nhất cách mô tả lợi ích phải đạt được sự độc nhất.
3. Quảng cáo lôi cuốn giới tiêu dùng mục tiêu
Quảng cáo phải gây được ấn tượng ngay tức thì, khơi dậy sự quan tâm,
nắm giữ và đào sâu mối quan tâm đó. Nó moi ra sự đáp trả cảm xúc ưa
thích bằng cách lôi kéo mối quan tâm cá nhân của người tiêu dùng, liên
quan đến một như cầu hay một vấn đề được biết rõ và hứa hẹn sự thỏa mãn
nhu cầu đó hoặc giải pháp cho vấn đề đó.
4. Quảng cáo thiết lập/phát triển mối quan hệ với người tiêu dùng
Mối quan hệ được xây dựng trên sự hiểu biết lẫn nhau. Tình huống được
bày ra, phong cách thể hiện, nhân vật được mô tả, ngôn ngữ và giọng
điệu được sử dụng… tất cả bộc lộ sự thấu hiểu, và cả sự đồng cảm của
nhãn hàng với giới tiêu dùng mục tiêu.
5. Quảng cáo đáng tin cậy – có vẻ trung thực
Những câu tuyên bố, các hình ảnh minh họa không được gây hiểu lầm.
Chúng phải được người tiêu dùng hoàn toàn chấp thuận. Mặc dù cách trình
bày có thể mang tính hài hước hoặc cường điệu, nhưng lợi ích cơ bản của
nhãn hàng phải luôn được người tiêu dùng cảm thấy có thể đạt được.
6. Quảng cáo rõ ràng và đơn giản
Bất kỳ điều gì có thể gây hiểu lầm sẽ gây hiểu lầm. Quá nhiều ý
tưởng, quá nhiều ấn tượng sẽ gây nhầm lẫn và đánh mất sự chú ý của người
tiêu dùng. Cách thể hiện nên đơn giản và cách diễn đạt phải minh bạch.
Quảng cáo cần rõ ràng về những gì mà người tiêu dùng mục tiêu mong đợi
thực hiện. Lưu ý rằng điều này không có nghĩa là tất cả mọi thứ cần phải
nói toạc ra, kiểu như “Em tắm, anh yêu!” hay “Một người khỏe, hai người
vui”… Truyền thông là hai chiều. Nên chừa chỗ cho người xem tham gia
vào quá trình truyền thông này.
7. Quảng cáo phải hợp nhất tên nhãn hàng với ý tưởng lớn
Ý tưởng lớn phải được liên kết mật thiết với tên nhãn hàng. Nó phải
được nhớ chỉ trong mối quan hệ với nhãn hàng. Đề cập đến điều này chúng
ta không thể không nhắc lại thí dụ hoàn hảo của Teppy trong việc hợp
nhất tên nhãn hàng với ý tưởng lớn.
8. Quảng cáo tận dụng lợi thế của từng loại hình truyền thông
Nói một cách lý tưởng thì ý tưởng lớn có thể phát huy được trong mọi
hình thức truyền thông (TV, in ấn, radio, quảng cáo ngoài trời, thư trực
tiếp, quảng cáo trực tuyến…). Mỗi một hình thức truyền thông đều có đặc
tính riêng đem đến những cơ hội mà nhãn hàng nên khai thác. Ý tưởng lớn
là nền tảng, nhưng việc viết và thiết kế quảng cáo nên tận dụng tối đa
lợi thế và khả năng của phương tiện truyền thông hiện có.
9. Ý tưởng quảng cáo có thể phát triển thành chiến dịch
Ý tưởng lớn cần tồn tại lâu dài. Nó không phải chỉ là một quảng cáo
đơn lẻ mà là cả một chiến dịch. Không chỉ là một chiến dịch mà là một
chuỗi những chiến dịch, ý tưởng có khả năng phát triển chứ không đơn
thuần là sự lập lại đơn giản hoặc thậm chí chỉ là những biến thể của một
chủ đề. Hàng chục năm qua, nhãn hàng Sunsilk vẫn sử dụng ý tưởng lớn là
hình ảnh của các chuyên gia chăm sóc tóc và gần đây nhất là sự phối hợp
của 8 nhà tạo mẫu tóc hàng đầu thế giới để tìm kiếm công thức tốt nhất
cho mái tóc mềm mượt.
10. Quảng cáo phải giúp xây dựng được cá tính nhãn hàng
Mỗi một quảng cáo đều ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về
nhãn hàng. Nếu bất kỳ quảng cáo nào đối nghịch với nhận thức này thì
điều đó sẽ gây ra sự phản cảm, hay chí ít thì cảm giác dửng dưng của
người tiêu dùng. Cứ tiếp tục kiểu quảng cáo như thế sẽ làm yếu đi cá
tính nhãn hàng. Kiên định là điều vô cùng quan trọng. Mỗi một quảng cáo
giúp xây dựng hoặc củng cố cá tính nhãn hàng mà bạn mong muốn.
Muốn đánh giá một quảng cáo, hãy đặt mình vào vị trí của người tiêu
dùng, người mà chúng ta phải giữ cho được lòng trung thành. Đó cũng là
người sẽ đưa ra những phán xét cuối cùng về quảng cáo. Hãy nghe họ phát
biểu:
- Tôi không có nhiều thì giờ. Rất nhiều người khác đang cố thu hút sự chú ý của tôi. Tại sao tôi phải lắng nghe quảng cáo này?
- Quảng cáo này cố nói cho tôi nghe điều gì?
- Có gì liên quan đến tôi không?
- Tại sao tôi phải tin?
- Tôi có thích quảng cáo này không?
- Quảng cáo này có hiểu tôi không?
- Quảng cáo này nói đến nhãn hiệu nào?
- Quảng cáo này muốn tôi làm gì?
Theo Marketing.24h.com.vn
0 nhận xét:
Post a Comment
Cám ơn bạn đã quan tâm. Những ý kiến đóng góp của bạn sẽ giúp bài viết được hoàn thiện hơn, có cái nhìn đa chiều hơn.
Admin